Giá cá trê tươi sống, giá cá trê đồng và trê lai là bao nhiêu?
Dù trọng lượng không cao như trê lai nhưng cá trê ta thơm thịt, giá bán tốt, đầu ra ổn định nên được người nuôi thủy sản ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lựa chọn.
Diện tích mặt nước gần sông Cầu được người dân xã Quế Sơn phát triển chăn nuôi thủy sản. Ảnh: Tùng Đinh.
Tiềm năng hơn
Từ hơn 10 năm trước, gia đình ông Đào Văn Tuấn đã đầu tư, thuê thầu các khu vực mặt nước sát sông Cầu ở xã Quế Sơn, huyện Hiệp Hòa. Trước đây, các loại cá nhà ông nuôi vẫn truyền thống như trắm, chép, rô phi, trê lai…
Nếu như trước thời điểm diễn ra dịch Covid-19, lượng cá trắng (tên dùng gọi các loại có vảy) có đầu ra rất ổn định, 1ha mặt nước của nhà ông Tuấn mỗi năm đem về 300-400 triệu đồng thì những năm gần đây xuất hiện nhiều khó khăn.
“Sau dịch Covid-19, cá trắng bán khó hơn, thêm nữa mấy năm nay vật tư đầu vào tăng cao, như thức ăn giá chênh cả triệu mỗi tạ so với trước đây nên chúng tôi cũng giảm quy mô nuôi”, ông Đào Văn Tuấn chia sẻ thêm.
Trước những khó khăn này, các nông dân ở xã Quế Sơn đã tìm đến con cá trê ta, giải quyết được vấn đề đầu ra. Ngoài ra, họ cũng tìm những người cùng mục tiêu để tạo ra chuỗi liên kết từ con giống cho đến khi xuất bán.
Ông Đào Văn Tuấn nói, bây giờ chúng tôi hình thành các chuỗi, anh em hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật và cung cấp vật tư cho từng giao đoạn nuôi. Theo đó, giống, thuốc, thức ăn đều có nhà cung cấp trong chuỗi và phần đầu ra thì được bao tiêu, cá đủ tiêu chuẩn là mua. “Đầu ra cho cá trê ta ổn định, dễ bán hơn nên chúng tôi đang dần chuyển sang nuôi loại này”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Khác với các loại cá có vảy khác, trê ta là dòng da trơn nên khi nuôi cũng cần có những lưu ý riêng. Ví dụ khi đánh các loại thuốc phòng hay khử trùng cho ao nuôi thì nồng độ cho trê ta phải thấp hơn các loại cá thông thường. “Nếu đánh nồng độ cao cá sẽ mất nhớt, dễ sinh bệnh và chết”, ông Đào Văn Tuấn nói về đối tượng nuôi mới.
Theo chia sẻ của nông dân có hơn 10 năm nuôi thủy sản trên sông Cầu này, để đảm bảo cá sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh việc đánh thuốc, khử trùng ao là cần thiết. Tuy nhiên, khi cá còn nhỏ thì đánh thuốc thưa hơn, chu kỳ sẽ dày hơn khi cá lớn dần. Trong các loại bệnh thì trê ta dễ bị nấm da, cần chú ý hơn khi nuôi.
Ông Đào Văn Tuấn cho đàn cá trê ta sắp đến kỳ thu hoạch ăn vào sáng sớm. Ảnh: Tùng Đinh.
Về thức ăn, như nhiều đối tượng khác, trê ta thường được nuôi bằng thức ăn công nghiệp, ngoài ra còn có thể tăng cường thêm các loại thức ăn thừa của con người.
Hiện nay, gia đình ông Đào Văn Tuấn chỉ nuôi 700m2 cá trê ta trên tổng số 1ha mặt nước của gia đình. Tuy nhiên, nếu thuận lợi thì diện tích này sẽ sớm được mở rộng. Trong những ngày cuối tháng 3, trọng lượng của cá đã đạt khoảng xấp xỉ 250 g/con, chuẩn bị xuất bán, dự kiến sản lượng của ao cá này sẽ đạt 3,5 tấn cho lứa đầu tiên này.
Theo yêu cầu của thương lái tham gia vào chuỗi liên kết, cá đạt tiêu chuẩn là trên 200 g/con, tuy nhiên để đảm bảo lượng cá bị bỏ lại ít nhất, ông Tuấn quyết định nuôi lên tầm 250-270 g/con mới xuất bán. “Nuôi dài thêm chút thì lượng cả bị loại sẽ ít đi”, chủ trại cá 1 ha chia sẻ thêm.
Hiện nay, không chỉ dễ bán, ổn định mà giá trê ta cũng tốt hơn so với trê lai. Cụ thể, nếu giá trê lai chỉ vào khoảng 23.000-25.000 đồng/kg thì giá bán của trê ta trên thị trường hiện nay vào khoảng 45.000-46.000 đồng/kg, gấp đôi trê lai.
Mặc dù mới chuyển sang nuôi trê ta lứa đầu tiên nhưng ông Đào Văn Tuấn rất hy vọng vào tiềm năng và sự ưu ái của thị trường đối với đối tượng nuôi này. “Nếu thuận lợi, nhà tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi trê ta”, ông Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, để có thể mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, ông Đào Văn Tuấn mong muốn có thêm được sự hỗ trợ từ phía chính quyền. Trong đó, ngoài vấn đề chính sách thì sẽ là kết nối đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thủy sản, hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả để bà con nông dân mạnh dạn đầu tư, tránh tình trạng nuôi cầm chừng như giai đoạn sau dịch Covid-19.
Hỗ trợ người nuôi
Trong năm 2023 vừa qua, bên cạnh những nỗ lực của người dân, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa cũng đã có những hoạt động hỗ trợ hiệu quả. Để hỗ trợ phong trào phát triển nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, các cấp hội đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho trên 20.856 lượt người.
“Hội đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, có tác động tích cực đến đời sống của người dân địa phương”, bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội nông dân huyện Hiệp Hòa, chia sẻ.
Cá trê ta có đầu ra ổn định, được bao tiêu nên được nhiều nông dân ở Hiệp Hòa lựa chọn. Ảnh: Tùng Đinh.
Bên cạnh đó, hội cũng đẩy mạnh công tác phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các cơ quan chuyên môn tuyên truyền vận động nông dân liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa tập trung, nhất là trong lĩnh vực thủy sản, vốn là thế mạnh của nhiều xã ven sông Cầu.
Theo thống kê của địa phương, trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản tại Hiệp Hòa tiếp tục phát triển ổn định theo hướng thâm canh, bán thâm canh. Tổng diện tích thủy sản toàn huyện trên 935ha.
Nhiều mô hình thâm canh ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất tiếp tục được phát triển và mở rộng mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Quế Sơn, Đông Lỗ với quy mô trên 30ha, mô hình sản xuất và ươm cá giống xã Hoàng Lương tiếp tục duy trì.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã đạt được những kết quả nổi bật, được tỉnh Bắc Giang đánh giá đi đầu với nhiều mô hình thành công
Tùng Đinh – Văn Việt
Báo Nông nghiệp